Chi tiết tin - Xã Triệu Ái - Triệu Phong

Chào mừng 79 năm ngày Cách mạng tháng tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc Khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 6
  • Hôm nay 104
  • Tổng truy cập 1.110.467

Triệu Ái phát huy truyền thống anh hùng cách mạng

15:2, Thứ Tư, 19-10-2022

Triệu Ái là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đây là mảnh đất mà Đoan quận công Nguyễn Hoàng đóng lỵ sở đầu tiên tại gò Phù Sa, thôn Ái Tử trên bước đường khởi nghiệp để mở mang bờ cõi về phương Nam; một trong những chi bộ Đảng phường Phương Ngạn (nay là chi bộ Tân Kiên) thành lập sớm của Đảng bộ huyện vào tháng 11/1931; là địa bàn đứng chân của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Trị. Triệu Ái là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Triệu Phong được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ chiến tranh (12/1969).

Mô hình dứa nguyên liệu Triệu Ái

Đồng hành cùng dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Triệu Ái luôn phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, đánh giặc giải phóng quê hương. Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hy sinh, đau thương mất mát, người Triệu Ái đã tham gia tích cực vào các cao trào cách mạng: Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến thời kỳ củng cố, phục hồi tổ chức trong những năm 1932 - 1935; từ phong trào dân chủ 1936 - 1939 đến cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945,… địa bàn Triệu Ái là địa bàn hoạt động sôi nổi của các đồng chí Trần Hữu Dực, Nguyễn Hoạch, Hồ Xuân Lưu, Đặng Thí, kết nối lên chiến khu Ba Lòng của tỉnh. Có thể nói Triệu Ái luôn là đỉnh cao trong phong trào đấu tranh cách mạng của tổng An Đôn, phủ Triệu Phong.
Trong hai cuộc kháng chiến biết bao người con ưu tú của quê hương Triệu Ái, nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhiều đồng bào, đồng chí đã anh dũng ngã xuống bởi sự khóc liệt của chiến tranh, bởi những thủ đoạn tra tấn, tù đày, đàn áp dã man của bọn đế quốc gây ra. Song quân và dân Triệu Ái vẫn một lòng kiên trung với Đảng, vượt lên mọi hy sinh mất mát, kiên quyết không lùi bước. Bằng sức mạnh thế trận lòng dân, bằng sức mạnh sự bền bỉ dẻo dai, sự kiên trì chịu đựng của đồng bào, đồng chí; bằng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất, quân và dân Triệu Ái đã viết lên những trang sử hào hùng bất diệt. Triệu Ái đã đánh 223 trận lớn nhỏ, diệt 721 tên địch, bắn rơi 1 chiếc L19, 1 chiếc HU1A, phá hủy hàng chục xe quân sự xe M113, GMC, thu nhiều loại vũ khí và chiến lợi phẩm các loại. Triệu Ái là nơi duy nhất ở Quảng Trị nói riêng, miền Nam nói chung mặc dù nằm trong vùng địch hậu nhưng chi bộ Đảng Hà Xá đã mưu trí tổ chức Lễ truy điệu và để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với những kết quả to lớn đó, ngày 20/12/1969, Đảng bộ và nhân dân xã Triệu Ái vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Đây là phần thưởng cao quý, có ý nghĩa hết sức quan trọng, sự ghi nhận của các cấp đối với phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Triệu Ái. Qua bao năm chiến đấu kiên cường với bao gian lao thử thách với bao mất mát hy sinh từ đây quê hương sạch bóng quân thù. Toàn xã có 44 bà mẹ VNAH; 270 liệt sĩ, 76 thương binh, 10 bệnh binh, hàng trăm người có công với cách mạng, được cấp hàng trăm Huân, Huy chương các loại, bình quân mỗi cán bộ dân quân du kích đạt 5 lần danh hiệu ”Dũng sĩ diệt Mỹ”.
50 năm qua,  Đảng bộ và nhân dân xã Triệu Ái đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến nay quê hương ta đã có nhiều thay đổi. Nơi chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã thành những cánh đồng trù phú, những rừng cây lâm nghiệp xanh tươi, những công trình; những làng quê, khu dân cư khang trang, tràn đầy sức sống. 
Với lợi thế về đất đai, Đảng bộ xã đã tập trung phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, an toàn, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung; xây dựng cánh đồng lớn, phát triển gia trại, trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi từng bước được khai thác khá tốt, với nhiều mô hình sản xuất được xây dựng và nhân rộng, điển hình như: mô hình trồng rừng theo chứng chỉ FSC, trang trại tổng hợp,.... Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo tích cực, quyết liệt, đã đạt được 15/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người. Kết cấu hạ tầng giao thông, trụ sở xã, trường học, trạm y tế, hệ thống điện,… được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, có 100% làng, đơn vị được công nhận văn hoá. Giáo dục phát triển toàn diện và vững chắc, chất lượng đại trà và mũi nhọn được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, có trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Chính sách đối với người có công cách mạng, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm chăm lo chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, có sự chuyển biến rõ nét. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể thiết thực, tập trung hướng mạnh về cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; chăm lo xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.   
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và thành tựu của 30 năm đổi mới, đồng chí Phan Bá Quốc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Thời gian tới Đảng bộ và nhân dân trong toàn xã tiếp tục đoàn kết, huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, hiệu quả, sản xuất sạch, an toàn, bền vững. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại; xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ và phương thức canh tác tự nhiên; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả đi đôi với tạo thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Huy động tốt các nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Coi trọng phát triển văn hóa - xã hội, tạo động lực cho quá trình xây dựng quê hương. Quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh. Phòng chống tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 
Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đổi mới hoạt động của chính quyền theo hướng năng động, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức. Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu đổi mới và phát triển của quê hương Triệu Ái anh hùng”.  

Tác giả bài viết: Sỹ Dũng - Minh KHa

Nguồn tin: Trang Thông tin điện tử huyện Triệu Phong

Các tin khác