Chi tiết tin - Xã Triệu Ái - Triệu Phong

Chào mừng 79 năm ngày Cách mạng tháng tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc Khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)

 

Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 3
  • Hôm nay 99
  • Tổng truy cập 1.108.032

Tổng quan về xã

Post date: 18/10/2022

TRIỆU ÁI - ĐẤT KHỞI NGHIỆP CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN.
1. Bối cảnh lịch sử.
Năm Đinh Hợi 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Từ đây xã hội Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng, rối ren, dẫn đến sự tranh giành quyền bính giữa các thế lực phong kiến, chiến tranh triền miên, làm cho đời sống của nhân dân hết sức cơ cực, chịu nhiều đau thương, đói rét. Năm 1533, tướng cũ của nhà Lê là An thành hầu Nguyễn Kim đã lãnh đạo lực lượng “phù Lê diệt Mạc” lập con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông lên ngôi vua để chống lại nhà Mạc, khôi phục lại nhà Lê.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Để nắm trọn quyền bính trong tay, chuyên quyền, thao túng chính sự và loại trừ các thành phần chống đối khác, Trịnh Kiểm đã hãm hại anh vợ là Lang quận công Nguyễn Uông (con cả của Nguyễn Kim).
Đến lúc này trên đất nước ta vừa tồn tại nhà Mạc, vừa tồn tại vua Lê và chúa Trịnh.
Trước cái chết mờ ám của Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng (em của Nguyễn Uông) lo sợ mình cũng bị sát hại nên một mặt sai người đến xin lĩnh ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và được khuyên:
“Hoành Sơn[1] nhất đái, vạn đại dung thân”
Nghĩa là: “Một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời”.
 Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc vào “dung thân” ở một vùng đất phía Nam Hoành Sơn để tránh hậu họa cho gia đình.
Một mặt khác, Đoan quận công nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin anh rể Trịnh Kiểm và vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa.
Khi nghe Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm cho rằng vùng đất này tuy mới vừa dẹp yên nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng, đây là nơi xa xôi hẻo lánh, hoang vu, hiểm nghèo nên có người vào làm trấn thủ thì chẳng còn gì bằng. Trịnh Kiểm dâng biểu nói với vua Lê Anh Tông: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam”[2]. Vua Lê nghe theo và trao cho Đoan quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa.
Chính sự rối ren trong giai đoạn này của lịch sử đã mở ra con đường “Nam tiến” của Đoan quận công Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn về sau để mở mang bờ cõi đất nước.
2. Triệu Ái - Đất khởi nghiệp của các chúa Nguyễn.
Ngày 10/10/1558 (AL), Đoan quận công Nguyễn Hoàng bắt đầu vào trấn thủ Thuận Hóa. Cùng đi với Đoan quận công có gần 1.000 người là đồng hương ở huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) và tráng đinh nghĩa dũng xứ Thanh - Nghệ, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (còn gọi là Nguyễn Ư Kỹ) theo phò. Thuyền buồm ra biển theo hướng về phương Nam đến Cửa Việt (còn gọi là cửa Việt Yên) rồi ngược dòng Thạch Hãn lên đóng quân tại gò Phù Sa, xã Ái Tử (nay là xã Triệu Ái), huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong).
Vừa đặt chân lên Ái Tử , Đoan quận công được quan sở tại Tống Phước Trị nghênh tiếp, dân chúng chào đón, các cụ bô lão làng/xã Ái Tử dâng “bảy vò nước trong”. Quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nói với Đoan quận công: “Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”.
Địa điểm Ái Tử mà Đoan quận công Nguyễn Hoàng chọn làm dinh lỵ có vị trí rất thuận lợi. Đây là một vùng bình địa khá rộng được sông Thạch Hãn, sông Ái Tử bao quanh, nhìn lên phía Tây là những ngọn đồi trập trùng, xa hơn nữa là kế cận những ngọn núi tương đối cao; về phía Đông là vùng đồng bằng rộng lớn, đất đai phì nhiêu; ở giữa có đường thiên lý đi qua. Do đó đứng ở Ái Tử có thể nhìn được đằng trước, thấy được đằng sau; lấy núi sông làm phên dậu, làng mạc làm thế che chắn, dân cư làm chỗ dựa nên địa điểm dựng dinh là vị trí “khả dĩ an toàn” và hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một trung tâm chính trị trong buổi đầu dựng nghiệp.
Như vậy, Ái Tử là “kinh đô” đầu tiên của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, là thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong, nơi bắt đầu khởi nghiệp của chúa Nguyễn.
Trong 12 năm đóng dinh tại Ái Tử (1558-1570) (về sau chuyển qua làng Trà Bát 1570-1600 và Dinh Cát 1600-1626), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tạo dựng được một cơ ngơi vững chắc và đạt được nhiều thành tựu trên các mặt sau:
Về chính trị: Bề ngoài luôn giữ thái độ phục tùng vua Lê – chúa Trịnh. Mỗi năm đều đặn “nộp thuế 400 cân bạc, 500 tấm lụa” (kể cả xứ Quảng Nam). Gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng để giữ hòa hiếu, tránh hiềm khích. Bên trong lấy lòng nhân đức để thu phục hào kiệt, nhân tâm, tạo dựng lòng mếm phục nơi dân chúng.
Thực hiện chính sách “dĩ nông vi bản”, ra sức khuyến khích việc mở rộng các làng/xã để nhân dân sản xuất. Mộ dân ở các vùng Thanh – Nghệ vào lập thêm các làng mới; chăm lo đời sống nhân dân.
Đối với biên giới phía Nam, chúa Nguyễn thực hiện chính sách “Nam tiến” đến đâu di dân đến để lập ấp, an dân. Người dân đến vùng đất mới lập nghiệp được “cấp trâu bò, dụng cụ nông nghiệp và sáu tháng lương thực”, đồng thời cho đặt bộ máy cai quản.
Về kinh tế: Chúa Nguyễn cho phát triển các ngành nghề như nấu mật mía, làm nón lá, làm chiêng,… để buôn bán. Trong nhiều nghề thì nghề làm chiêng phát triển hơn cả. Bởi vậy, dân gian có câu: “Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ” để chỉ sự nổi tiếng của nghề làm chiêng Ái Tử. Bên cạnh đó, người dân Ái Tử cũng đã biết nấu đường trắng, đường đen và trở thành một nghề khá phổ biến.
Xây dựng chợ Hôm bên cạnh sông Thạch Hãn để buôn bán với các vùng lân cận như An Mô, Đâu Kênh, Trà Liên,… Mở rộng giao thương, buôn bán với các khu vực khác. Thuyền buôn từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế ra, Thanh Hóa, Nghệ An vào cũng buôn bán nhiều loại hàng hóa như gốm sứ, bát đĩa, chum vại, chiếu cói, vải,… “Do chính sự rộng rãi, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, tàu thuyền nhóm họp, lỵ sở chúa biến thành đô hội lớn”[3] nên chợ Hôm rất sầm uất, đông người nhóm họp, trên bến dưới thuyền, nhất là vào buổi chiều.
Mặt khác, với chính sách tích cực, đã từng bước cho phép người nước ngoài vào làm ăn ở Đàng Trong, nhất là người Hoa đã làm cho nền kinh tế ở Đàng Trong càng về sau phát triển khá nhộn nhịp và đa dạng.
Về sản xuất: Chủ yếu trồng lúa nước và vụ chính là vụ Chiêm (vụ mùa), còn vụ lúa mùa Thu (gọi là vụ trái) ít làm do hạn hạn, thiếu nước; ngoài ra còn trồng thêm một số giống cây trồng cạn khác như khoai, đậu, mía, thuốc lá... Khuyến khích nhân dân ra sức khai hoang diện tích để canh tác, làm thủy lợi, bảo vệ mùa màng. Nhờ vậy “Mấy năm được mùa luôn, trăm họ giàu thịnh”[4].
Chúa Nguyễn cho xây dựng kho lương thực tại Cồn Kho (dốc Cồn Kho) với quy mô khá lớn để làm tổng kho dự trữ lương thực. Kho được xây dựng hướng mặt về phía Đông Nam, nhìn ra sông Ái Tử để thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, hàng hóa cả đường bộ và đường sông nhập vào kho. Về sau nhà Nguyễn, cho nâng cấp thành tổng kho có 5 toà, cộng 126 gian, đổ đầy lúa hết 88 gian và làm thêm hai toà công khố, mỗi toà 22 gian để tiện trữ lúa.
Về văn hóa, xã hội: Chúa Nguyễn từng bước thiết lập nền văn hóa Đại Việt lên xứ Thuận Hóa, từng bước thay cho văn hóa Chăm pa trước đây. Các phong tục tập quán mới của người Việt được hình thành trong đời sống văn hóa, xã hội. Ở các làng cho xây dựng đình làng, miếu, đền… để thờ Thành Hoàng, các vị có công khai khẩn với làng và đất nước. Từ khi lập nghiệp, thông qua cuộc sống sản xuất, người dân đã sáng tạo lên các điệu hát ru, hát hò khoan, hò giã gạo, hát mái nhì[5]. Các làn điệu dân ca thường được tổ chức ở đình làng vào những đêm trăng thanh gió mát giữa các đôi nam thanh nữ tú với nhau, thu hút dân làng đến xem, tạo được không khí vui vẻ trong cộng đồng.
Cùng với đó, nhiều trò chơi dân gian như vật cùi tay, gánh người, nhảy cao, nhảy dài, đánh đáo, đánh căng, đánh ô, đánh thẻ, cờ tướng, bài tới, bài thai[6]… sau vụ sản xuất công việc đồng áng rảnh rỗi.
Về quân sự: Bên cạnh tập trung xây dựng dinh lỵ ở Cồn Dinh (nay thuộc Đội 1 thôn Ái Tử và giáp sông Thạch Hãn), chúa Nguyễn hết sức chăm lo xây dựng các đội quân để lo phòng bị lâu dài. Đã cho lập các đạo quân biên chế vào 5 kiên (quân), gọi là Ngũ Kiên: Tiền Kiên, Hậu Kiên, Trung Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên[7], đồng thời xây dựng bãi tập ở xứ Cồn Tập (nay là Đội 2, thôn Ái Tử), bãi hội quân ở xứ Cồn Cờ, bãi mỏ súng (nay thuộc đồng Nhất, phía Tây Nam cầu Ái Tử), trạm binh (về sau gọi là Trâm Đinh) nơi binh lính dừng chân (nay thuộc Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử), 2 tuyến lũy ở xứ Nương Hoang và động Vành Am (nay thuộc đội 4, thôn Ái Tử), bãi tàu tượng cho voi ăn (nay thuộc đồng Nhì – Nương A, Ái Tử). Đến năm 1560, đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải để đề phòng quân nhà Mạc theo đường biển vào cướp bóc.
Có thể khẳng định, trong giai đoạn đầu dựng nghiệp ở Ái Tử, chúa Nguyễn Hoàng đã xây dựng được một thành lũy vững chắc, biết an dân, phát triển sản xuất, tích trữ lương thực, đời sống nhân dân ấm no, lo phòng bị mọi mặt, mở mang bờ cõi về phương Nam. Có được như vậy cũng do “Đoan quận công có uy nghiêm lại có mưu lược, vừa sáng suốt, vừa kín đáo, không ai dám nói dối, cai trị ở hai xứ ấy hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, có ơn huệ, dùng phép công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỷ luật, cấm trấp kẻ hung bạo, quân và dân hai xứ ấy đều thân yêu tin phục, đổi hết phong tục xấu, ai ai cũng cảm ơn mến đức, ở chợ có giá nhất định, trong dân không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, toàn cõi dân yên vui làm ăn”[8].
Mặc dù chỉ đặt dinh Ái Tử làm thủ phủ của Chúa Nguyễn chỉ trong vòng 12 năm nhưng đất Triệu Ái là mảnh đất đầu tiên Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã kịp thời xây dựng nhiều kho tàng bến bãi, ổn định dân chúng. Để từ đây các chúa Nguyễn bám trụ vững chắc và mở rộng lãnh thổ về phương Nam, dần hình thành một nước Việt Nam liền một dãy như ngày nay. Chính vì thế mà trước lúc lâm chung, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng căn dặn: “Đất Thuận, Quảng này bên Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải Vân và núi Thạch Bi Sơn thật là nơi để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sỹ để mà gây dựng sự nghiệp về muôn đời”[9].
 

 


[1] Núi Hoành Sơn là đèo Ngang bây giờ, ranh giới giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

[2] Theo sách Đại Nam Thực Lục tiền biên của triều Nguyễn.

[3], 27 Theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên.

 

[5]29 Theo tư liệu đánh máy của làng Ái Tử, hiện lưu trữ tại Đảng ủy xã Triệu Ái.

30 Binh lính 5 đạo quân này sau khi giải ngũ đã ở lại làm ăn sinh sống và lập ra các làng Tiền Kiên, Tả Kiên (thuộc xã Triệu Giang), Hậu Kiên (thuộc xã Triệu Thành), Trung Kiên (thuộc xã Triệu Thượng). Riêng làng Hữu Kiên được xác định nằm trên địa phận của làng Xuân An (Xuân Yên), xã Triệu Thượng bây giờ (Theo tham luận của UBND huyện Triệu Phong tại Hội thảo khoa học: Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng).

 

[8] Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

[9] Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên.

More