Chi tiết tin - Xã Triệu Ái - Triệu Phong

Chảo mừng kỷ niệm 78 năm Ngày cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023)

 

Menu được chọn không tồn tại.
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 90
  • Tổng truy cập 1.069.511

Triệu Ái đẩy mạnh trồng rừng theo chứng chỉ FSC

11:10, Thứ Bảy, 9-7-2022

(QTO) - Xã Triệu Ái (Triệu Phong) có diện tích trên 10.000ha đất tự nhiên, trong đó có trên 80% diện tích đất lâm nghiệp.Với lợi thế đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Ái tập trung chỉ đạo phát triển nông- lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, xã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh tập trung, xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

 Đặc biệt, năm 2019, Bí thư Đảng ủy xã ký cam kết với Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong về thực hiện 3 nội dung trọng tâm năm 2019, trong đó có nội dung tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia mô hình quản lý rừng bền vững (FSC) với hơn 3.690 ha, xây dựng mới 70 ha rừng chứng chỉ FSC tại thôn Hà Xá, Nại Hiệp. Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sỹ Dũng cho biết, tận dụng lợi thế sẵn có về đất đai, những năm gần đây, xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tập huấn, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển rừng gỗ lớn, rừng theo chứng chỉ FSC. Đây là hướng đi mới, xu hướng phát triển chung nhằm nâng cao giá trị rừng kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có 36 hộ dân tham gia với gần 500 ha. Diện tích tuy ít so với tổng diện tích đất rừng toàn xã nhưng giá trị cao gấp 3 - 4 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ và chi phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn thấp hơn nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ.

 

     Tổ trưởng Tổ hợp tác 2, thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái Lê Văn Quyền cho biết, ở tổ hợp tác của ông đã có 5 hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC với diện tích 10 ha. Mô hình trồng rừng này có nhiều lợi ích, đó là hiệu quả kinh tế cao hơn trồng rừng truyền thống, thị trường tiêu thụ gỗ dễ dàng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trồng rừng truyền thống do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, giá bán không ổn định, bị tư thương ép giá, còn khi thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân chọn cây giống có nguồn gốc được cơ quan nhà nước kiểm định, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng lên. Ông Quyền giải thích, chu kỳ trồng rừng theo chứng chỉ FSC mất 8 đến 10 năm mới khai thác so với cách trồng cũ thì thời gian dài tăng gần gấp đôi. Mới nghe qua thì thấy thời gian để thu hoạch được rừng có vẻ khá lâu nhưng tính toán lại thì không lâu bởi vì trồng rừng FSC sau 2 đến 4 năm người trồng bắt đầu tỉa bán cứ hai hàng tỉa một thì đã có một khoản thu nhập, số cây còn lại để thêm 4 năm nữa gỗ to giá bán rất cao, thị trường rộng mở nên rất hiệu quả. Người trồng rừng theo chứng chỉ FSC thường xuyên được nhà nước tập huấn hướng dẫn trồng, chăm sóc rừng. Theo đó, trong quá trình chăm sóc không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng rừng không đốt thực bì… Để tiên phong hưởng ứng chủ trương này của xã, 3 ha rừng của gia đình ông đã chuyển sang trồng theo chứng chỉ FSC hứa hẹn vài năm nữa sẽ cho thu nhập đáng kể. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC cây to, khỏe nếu có bão đến chắc chắn đỡ thiệt hại hơn rừng trồng theo cách cũ.

 

     Theo ông Lê Văn Quyền, cái khó nhất để phát triển rừng theo chứng chỉ FSC là tổ hợp tác của ông chưa được triển khai đồng bộ nên trong cùng một cánh rừng nhà trồng theo cách cũ, nhà trồng theo FSC thì rất khó trong việc phòng, chống cháy rừng vì trồng theo cách cũ phải dọn thực bì rồi đốt nên dễ cháy lan sang rừng FSC. Do mô hình trồng rừng FSC còn mới mẻ nên người dân e ngại.

 

     Giải đáp những băn khoăn này của ông Quyền, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sỹ Dũng cho biết, trong thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy sản xuất và thực hiện tốt chủ trương chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển rừng bền vững. Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết với mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ; từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung ở vùng gò đồi.

 

     Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sỹ Dũng đề nghị cấp trên cần sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch lâm nghiệp, quản lý quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương nâng cao hiệu quả, đồng thời quản lý tốt tài nguyên rừng. Hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến gỗ nhằm hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến đất lâm nghiệp đi đôi với lập phương án giao đất, tạo điều kiện cho hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường giao thông trong đất lâm nghiệp,đồng thời kết nối liên vùng giữa các địa phương trong vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT từ trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng trồng gỗ lớn. Chú trọng các hoạt động khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT trong thâm canh rừng gỗ lớn đến chủ rừng. Có chính sách phát triển trồng rừng gỗ lớn của tỉnh để hỗ trợ chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận được với thị trường thế giới. Đặc biệt, cần xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ mua bảo hiểm đối với trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, hạn chế rủi ro để người trồng yên tâm đầu tư kinh doanh gỗ lớn. Rà soát các cơ sở chuyên chế biến từ rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở sản xuất có hợp phần chế biến sau dăm gỗ để từng bước đổi mới công nghệ sang chế biến chuyên sâu ván MDF, ván ghép thanh, ván dăm, viên nén năng lượng... để tận dụng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Vinh

Nguồn tin: báo quảng trị

Các tin khác